Menu

Bước đột phá của ngành thông tin di động Việt Nam

Thời điểm Chính phủ cấp phép 3G cho bốn trong số các mạng di động hiện nay là Vinaphone, Mobifone, Viettel, SFone, Gtel, và liên danh EVN Telecom - HaNoi Telecom đang đến gần. Các nhà phân tích cho rằng, dù mạng thông tin di động nào được cấp phép, với việc ứng dụng 3G, hàng chục triệu khách hàng sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ các dịch vụ mới, còn ngành thông tin di động Việt Nam khẳng định thêm một bước đột phá, hội nhập với xu hướng công nghệ tiên tiến của thế giới. 

Hội nhập với xu hướng phát triển của thế giới
Trên phạm vi toàn cầu, 3G là một bước đột phá của ngành di động, bởi vì nó cung cấp băng thông rộng hơn, giúp các nhà khai thác có thể cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ mới bao gồm cả thoại và các ứng dụng dữ liệu. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, trong buổi trả lời báo chí trực tuyến, khẳng định: "Công nghệ 3G đã được triển khai trên thế giới từ năm 2000. Hiện có hàng trăm nhà khai thác và nhiều triệu người dân trên thế giới đã sử dụng dịch vụ trên nền công nghệ này". ở Việt Nam, nhiều năm trước đây, các nhà quản lý viễn thông nói chung cũng như các doanh nghiệp khai thác dịch vụ nói riêng đã dự đoán 3G chính là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ thông tin di động, cho nên quá trình đầu tư, phát triển mạng lưới đã được định hướng tiếp cận với 3G. Với việc chấm thi tuyển cấp phép triển khai công nghệ 3G cho các mạng thông tin di động, các nhà quản lý bảo đảm lựa chọn được bốn nhà cung cấp có đủ năng lực nhất về mạng lưới, khả năng tài chính cũng như tính hiệu quả trong phương án kinh doanh, có khả năng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Theo ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), cuộc thi tuyển cấp giấy phép 3G đã được tổ chức khách quan, chính xác, thông qua các tiêu chí rất cụ thể để bảo đảm lựa chọn các doanh nghiệp xứng đáng. Tiến sĩ Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng Luật sư Thành và cộng sự cũng chia sẻ quan điểm này: "3G đòi hỏi đầu tư lớn. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra tiêu chí để chọn doanh nghiệp đủ tiềm năng về tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng". Bởi vậy, tất cả các doanh nghiệp đã nỗ lực cao nhất để khẳng định năng lực thật sự. Chẳng hạn, Vinaphone đã hợp tác với Tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp mạng, có nhiều kinh nghiệm về quản lý, khai thác và kinh doanh dịch vụ 3G là NTT DoCoMo để tư vấn, lập hồ sơ thi tuyển. Vinaphone đã chứng minh có đủ tiềm lực để đầu tư vào mạng lưới, cơ sở hạ tầng 3G trong 15 năm với trị giá 1 tỷ USD; bảo đảm triển khai nhanh nhất, phủ sóng rộng nhất (kể cả những nơi xa xôi); tổ chức được hệ thống bán hàng tốt, có mức giá phù hợp và kế hoạch kinh doanh hiệu quả. Với đội ngũ cán bộ, chuyên gia hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác một trong những mạng thông tin di động hàng đầu ở Việt Nam, Vinaphone khẳng định trình độ tiếp cận công nghệ mới. Hồ sơ của Vinaphone được đánh giá là một đề án thiết lập, quản lý, khai thác và kinh doanh mạng và dịch vụ 3G với sở cứ khoa học tin cậy. Thông tin ban đầu cho thấy, trong cuộc thi tuyển 3G, Vinaphone là một trong hai doanh nghiệp đứng đầu về tổng mức đầu tư và tổng số tiền đặt cọc. Có thể nói, các doanh nghiệp tin tưởng ở năng lực thật sự theo tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ trên nền 3G cho hàng chục triệu khách hàng sau khi được cấp phép, khẳng định sự hội nhập với xu hướng phát triển chung của ngành thông tin di động thế giới.

3G tạo bước đột phá
Tiến sĩ Nguyễn Văn Yên, Trưởng ban 3G, Công ty Vinaphone, cho biết, về mặt nguyên tắc, 3G sẽ tạo ra băng thông rộng, giống như một xa lộ, tạo cơ sở hạ tầng mạng để phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng hiện đại, tiện ích hơn. Các nhóm dịch vụ liên quan đến dịch vụ liên lạc, nội dung giải trí, giao dịch điện tử, thông tin xã hội, định vị và dịch vụ hỗ trợ cá nhân... sẽ có những đột phá khi triển khai trên nền 3G. Chẳng hạn, mạng Vinaphone dự kiến nghiên cứu cung cấp dịch vụ điện thoại truyền hình cho phép người gọi và người nghe có thể nhìn thấy hình ảnh của nhau trên điện thoại di động. Dịch vụ xem phim trực tuyến trên điện thoại di động cung cấp cho khách hàng chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt, không bị giật hình hay trễ tiếng, thay vì truy cập internet để tải và xem phim như hiện nay. Vinaphone cũng cam kết mang đến cho khách hàng dịch vụ tin nhắn nhanh (Chat trên điện thoại di động) giúp khách hàng có thể nhận và gửi tin nhắn online, không cần phải sử dụng máy tính và mạng internet. Quảng cáo di động cũng là một dịch vụ gia tăng mới cho phép thực hiện quảng cáo bằng text hoặc quảng cáo dưới dạng tin nhắn đa phương tiện từ nhà cung cấp dịch vụ tới thuê bao theo ngày, giờ nhất định dựa trên nhu cầu của khách hàng, v.v.

#ể bảo đảm mang đến những dịch vụ tiên tiến với chi phí phù hợp với đại bộ phận nhân dân, từ những năm trước đây, Vinaphone đã quan tâm đến việc đầu tư mạng lưới trên nền 3G, bởi nếu sử dụng mạng 2G hoặc 2.5G thì một vài năm cũng phải nâng cấp, chi phí không rẻ hơn so với chi phí đầu tư cho mạng 3G. Hơn nữa, với công nghệ 3G, sẽ không có hạn chế về việc phát triển thuê bao, các dịch vụ giá trị gia tăng cung cấp tới người sử dụng hoàn toàn không đắt hơn mà còn hiện đại hơn trên nền mạng 2G/2.5G. Thực tế, lợi thế về công nghệ 3G cho phép sử dụng tài nguyên mạng cho dịch vụ nội dung tối ưu hơn, tiết kiệm tài nguyên mạng hơn. Chất lượng các dịch vụ cũng sẽ tốt hơn (băng thông rộng hơn, tốc độ nhanh hơn, các chỉ số chất lượng dịch vụ khác cũng tốt hơn) và cho phép Vinaphone triển khai các dịch vụ và mạng 2G/2.5G không triển khai được.

ở Việt Nam hiện nay, tuy 3G mới đang chuẩn bị được cấp phép, nhưng các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối cũng đã đưa vào thị trường một số lượng thiết bị không nhỏ với công nghệ này. Bởi thế, khi Việt Nam chính thức triển khai 3G thì đã có sẵn một lượng khách hàng có thiết bị để sử dụng. Riêng Vinaphone cũng đã có kế hoạch hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, nhằm mang lại cho khách hàng các dịch vụ trọn gói, phù hợp với lớp khách hàng tiêu dùng bình dân.

Có thể bạn quan tâm